Doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu. (Ảnh minh họa)
Sáng 26/11, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho biết:
“Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo”.
Trước ý kiến này, Ủy ban thường vụ Quốc cho rằng, doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.
Ông giàu cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ người có thẩm quyền quản lý con dấu trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quản lý, sử dụng con dấu là quyền của doanh nghiệp, được quy định trong Điều lệ công ty. Để làm rõ hơn nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý dự án Luật như sau: “Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.”
Trước đó, con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an cấp, theo hình thức, nội dung được quy định sẵn. Doanh nghiệp không được phép tự ý thay đổi và phải dành thời gian, chi phí cho việc bảo quản cũng như gặp rất nhiều khó khăn nếu mất con dấu.
Tại buổi hội thảo “Con dấu của Doanh nghiệp tại Việt Nam – Sự cải tổ cần thiết” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 9/10, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, các doanh nghiệp không nên lãng phí thời gian vào những thủ tục kinh doanh lỗi thời và không cần thiết như con dấu doanh nghiệp. Số liệu của WB cho thấy con dấu cản trở việc chính thức thành lập doanh nghiệp do chi phí và thời gian. Ở Việt Nam mất 6 ngày, Lào mất 20 ngày và các nước châu Phi mất 1 tháng để hoàn thành thủ tục đăng ký con dấu.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, về năng lực cạnh tranh quốc gia, hiện thủ tục khắc dấu của Việt Nam chiếm khoảng 20% trong số thủ tục cũng như chi phí gia nhập thị trường.
(Nguồn Internet)
Đánh giá trên Facebook